Định nghĩa các loại phân bón và các thành phần liên quan đến phân bón


1. Phân bón vô cơ là phân khoáng thiên nhiên hoặc phân hoá học được sản xuất theo phương pháp công nghiệp có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

2. Phân đa lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Đạm ký hiệu là N (tính bằng N tổng số); Lân ký hiệu là P (tính bằng P2O5 hữu hiệu) và Kali ký hiệu là K (tính bằng K2O hữu hiệu hoặc hoà tan).

3. Phân trung lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Can xi (được tính bằng Ca hoặc CaO), Magiê (được tính bằng Mg hoặc MgO), Lưu huỳnh (được tính bằng S) và Silíc (được tính bằng Si hoặc SiO2 hoà tan) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

4. Phân vi lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Bo (được tính bằng B), Co ban (được tính bằng Co), Đồng (được tính bằng Cu hoặc CuO), Sắt (được tính bằng Fe), Mangan (được tính bằng Mn hoặc MnO), Molipđen (được tính bằng Mo) và Kẽm (được tính bằng Zn hoặc ZnO) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

5. Phân bón đất hiếm là loại phân trong thành phần chủ yếu có ít nhất một trong số 17 nguyên tố sau: Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêleép) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

6. Phân bón hữu cơ là các loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ có hàm lượng chất hữu cơ và các chỉ tiêu chất lượng khác đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

7. Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

8. Phân hữu cơ truyền thống là loại phân có nguồn gốc từ chất thải của người, động vật hoặc từ các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vệ sinh an toàn toàn thực phẩm, môi trường theo quy định.

9. Phân hữu cơ khoáng là phân hữu cơ được trộn thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

10. Phân hữu cơ vi sinh là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một loại vi sinh vật sống có ích phù hợp với quy định của tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy định tương đương đã ban hành.

11. Phân vi sinh vật là loại phân trong thành phần có chứa một hoặc nhiều loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải ka li, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác có mật độ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

12. Phân bón tăng khả năng miễn dịch cây trồng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ có tác dụng làm tăng sức miễn dịch của cây trồng đối với các loại sâu, bệnh hại hoặc tăng sức đề kháng của cây trồng trong các điều kiện khó khăn của thời tiết như nóng, lạnh, khô hạn, úng ngập hoặc ngập mặn…

13. Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ được bổ sung ít nhất một trong các chất điều hoà sinh trưởng theo quy định với hàm lượng không vượt mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

14. Chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón là những chất khi phối trộn hoặc bón cùng với phân bón có tác dụng nâng cao hiệu suất sử dụng các chất dinh dưỡng có trong phân bón.

15. Chất giữ ẩm trong phân bón là những chất tự nhiên hay nhân tạo có khả năng hút và giữ nước mạnh, có tác dụng cung cấp nước vào đất khi đất khô hạn và có thể phối trộn với các yếu tố dinh dưỡng của cây trồng.

16. Chất phụ gia phân bón là các chất vô cơ hoặc hữu cơ được phối trộn với các chất dinh dưỡng trong quá trình sản xuất phân bón.

17. Chất cải tạo đất là chất khi bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì, cải thiện đặc điểm lý tính, hoá tính, sinh học đất.

18. Giá thể cây trồng là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo không phải là đất, được dùng làm nền để trồng cây.

19. Chất gây hại có trong phân bón là các kim loại nặng gồm: Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Ti tan (Ti), Crôm (Cr), Đồng (Cu), Kẽm (Zn); các vi khuẩn gây bệnh gồm: vi khuẩn E.coli, Salmonella và các chất gây hại khác như: biuret, axit tự do… có trong phân bón vượt quá hàm lượng cho phép được quy định tại tiêu chuẩn chất lượng phân bón, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại phân bón tương ứng.

Xem: Tin tức hợp quy, khảo nghiệm phân bón, đăng ký danh mục phân bón

About hopquyphanbon

Chứng nhận hợp quy các sản phẩm phân bón theo thông tư 36, đăng ký danh mục phân bón, khảo nghiệm phân bón, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 lĩnh vực sản xuất phân bón.
Bài này đã được đăng trong PHÂN BÓN và được gắn thẻ , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này